Ấn vàng vua Minh Mạng và những sự thật thú vị

Ấn vàng Minh Mạng được sử dụng dưới thời vua Minh Mạng, đây là vị hoàng đế thứ 2 của nhà Nguyễn, trị vì từ năm 1820 đến năm 1841, Hoàng đế Minh Mạng (1792-1841) chắc chắn là một nhà lập pháp xuất sắc nhất mà lịch sử Việt Nam từng biết đến. Thời Minh Mạng đánh dấu sự hưng thịnh của triều đại nhà Nguyễn, đây là thời kỳ thịnh vượng nhất của đất nước. Tiếp nối công việc của cha ông, Vua Minh Mạng cho đắp đê, cầu đường, đào kênh, chỉnh trang thành phố và phát triển bến cảng. Ngoài ra, Hoàng đế đã hoàn thành bộ luật lập pháp do Gia Long thực hiện và thiết lập các quy tắc của nghi thức, từ đó trở đi, sẽ cai quản Triều đình và mọi thứ liên quan đến tổ chức của triều đình.  Ông chủ trương củng cố quyền lực của ngôi vị Hoàng đế thông qua một chế độ quân chủ tập trung mạnh mẽ, chủ yếu dựa trên sự kiểm soát và phân chia đất nước thành các tỉnh mà những người cai trị hoặc quan lại được giám sát theo các quy tắc nghiêm ngặt để ngăn ngừa các hành động lạm quyền. Tất cả những việc làm đó cho thấy một bộ óc sáng ngời của vị vua anh minh  

Thời nhà Nguyễn nói chung, đã có hơn một trăm ấn triện được tạo ra. Các ấn triện với chất liệu bằng vàng, ngọc, ngà voi, bạc và đồng được các thành viên khác nhau trong Hoàng gia, tùy theo cấp bậc của họ, cũng như các quan chức sử dụng.

Riêng dưới thời Vua Minh Mạng, người ta đã làm ra mười lăm chiếc ấn bằng ngọc và vàng, trong đó có chiếc ấn tuyệt đẹp mà chúng ta đang có cơ hội chiêm ngưỡng ngày hôm nay. Những con dấu bằng vàng ròng, được gọi là Kim bửu tỷ (金寶 璽), Kim bảo tỷ (金寶 ) hoặc Kim tỷ (金 璽), là một trong những bảo vật hiếm thấy nhất và quan trọng nhất của nhà Nguyễn chỉ được đóng lên các sắc phong, ân xá, ban ân, sắc thư cho nước ngoài và văn bản quan trọng nhất của triều đình. Chiếc ấn này tượng trưng cho quyền cai trị tuyệt đối dưới triều đại nhà Nguyễn, đã trở thành biểu tượng của sự chuyển giao quyền lực

Đây là hình ảnh chiếc ấn triện bằng vàng quý hiếm, nó được gọi là Kim bảo tỷ (金寶 璽) của Hoàng đế Minh Mạng. Chiếc ấn triện bằng vàng rất quý hiếm này thuộc sở hữu của Hoàng gia Việt Nam, ấn cao 10,4 cm, nặng 10,78 kg, mặt hình vuông với kích thước 13,8×13,7 cm, tay cầm được đúc một con rồng năm móng, chạm khắc rất tinh xảo, trên trán của linh vật cao quý này có chạm khắc chữ Vương có nghĩa là Vua (王). Đuôi rồng cong lên phía sau đầu và uốn lượn theo hình xoắn ốc, vây trên lưng nổi bật tô điểm cho cơ thể khỏe mạnh, trên thân rồng có vảy đều đặn, phần đầu với đôi sừng hươu dũng mãnh, phía dưới là mồm sư tử uy nghi với răng nanh lộ rõ. Bốn chân rồng bám chắc chắn trên mặt đế với năm móng vuốt vươn ra mạnh mẽ.  Chạy dọc hai bên cạnh của đế hình vuông là hai dòng chữ Hán:

  • Minh Mạng tứ niên, nhị nguyệt, sơ tứ nhật, cát thời chú tạo
    Nghĩa là: Ấn được tạo ra vào ngày 4/2, năm thứ 4 đời vua Minh Mạng, tức ngày 4/2/1823 năm Âm lịch
  • Thập thành hoàng kim, trọng nhị bách bát thập lạng, cửu tiền nhị phân
    Nghĩa là: Ấn được làm làm bằng vàng ròng, nặng 280 lạng, 9 chỉ, 2 phân, khoảng 10,7 kg

Phía dưới ấn có khắc bốn chữ Hán tự: Hoàng Đế chi bảo (皇帝之寶) có nghĩa là: ‘Báu vật của Hoàng đế’.

Về lịch sử chuyển giao của chiếc ấn này khá đặt biệt, nó bắt đầu sử dụng từ năm thứ 4 đời vua Minh Mạng và được lưu truyền qua các đời vua khác nhau và đến thời vua Bảo Đại.

Ngày 30 tháng 8 năm 1945, tại cửa Ngọ Môn ở kinh thành Huế, vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng triều nguyễn và cũng là vị vua cuối cùng của Việt Nam, đã đọc Tuyên ngôn Thoái vị và trao chính quyền, ấn Hoàng đế chi bảo và thanh bảo kiếm cho chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại Ngọ Môn, vị vua Bảo Đại thốt lên câu nói nổi tiếng:  “Thà làm công dân của một nước độc lập còn hơn làm vua của một nước nô lệ”.    

Nhà sử học Trần Huy Liệu tiếp nhận bộ ấn kiếm, chuyển về Hà Nội trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945.

Tháng 12/1946, thực dân Pháp tái chiếm Hà Nội, hiện vật được đem giấu tại ngôi nhà ở làng Nghĩa Đô, đây được xem là xưởng in tiền của Việt Minh. Ngôi nhà bị phá hủy vào năm 1947 do chiến tranh!.

Ngày 28/2/1952, một tiểu đoàn của Pháp do Tiểu đoàn trưởng Toce Raymond chỉ huy, đào bới phần móng nhà để thu gạch vỡ, phát hiện hai chiếc hòm đựng bộ ấn kiếm

8/3/1952 Pháp trao lại hiện vật cho cựu hoàng Bảo Đại, khi đó là ông hiện đang là Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam (tức là người đúng đầu của Việt Nam Cộng Hòa).

Lúc này Bảo Đại đang ở Pháp, thay mặt vua Bảo đại và chính quyền, là mẹ của vua Bảo Đại tức là Đoan Huy hoàng thái hậu và bà Mộng Điệp tức là thứ phi của cựu hoàng – thay mặt ông tiếp nhận bộ ấn kiếm.

Năm 1953, do tình hình chiến tranh, Bảo Đại cử bà Mộng Điệp mang hai hiện vật cùng một số tư trang, giao cho hoàng hậu Nam Phương và cựu thái tử Bảo Long cất giữ.

Năm 1963, hoàng hậu Nam Phương qua đời, hiện vật được Bảo Long ký gửi trong một két sắt tại Union des Banques Européennes (Ngân hàng châu Âu). Trong tập hồi ký Con rồng An Nam (Le Dragon d’Annam) xuất bản năm 1980, bà Mộng Điệp cho biết cựu hoàng muốn dùng ấn đóng vào sách để làm tăng giá trị tác phẩm. Tuy nhiên, Bảo Long không cho mượn.  Bảo Đại kiện con trai ra tòa để đòi lại hiện vật. Tòa án tại Pháp sau đó tuyên Bảo Đại được sở hữu kim ấn, Bảo Long giữ bảo kiếm.

Năm 1972, cựu hoàng kết hôn với bà Monique Baudot, người Pháp. Trước khi qua đời vào tháng 8/1997, ông để lại di chúc, trao quyền thừa kế toàn bộ tài sản của ông ở Pháp, bao gồm cả ấn cho vợ. Sau khi vua Bảo Đại qua đời, bà Baudot gọi mình là Hoàng hậu Thái Phương (nghĩa là hương thơm từ phương Tây). Bà tiếp tục đóng vai trò lớn trong cộng đồng người Việt hải ngoại, luôn trân trọng tưởng nhớ người chồng quá cố của mình cho đến ngày tạ thế vào năm 2021, cho đến nay những di vật thừa kế từ vua Bảo Đại đều được con cháu mang đi bán đấu giá.

Và đến năm 2022, chiếc ấn xuất hiện trong trong phiên đấu giá của nhà đấu giá Millon tại Pháp. Việt Nam nhanh chóng lập 1 phái đoàn với các đại diện của Cục di sản văn hóa VN, Cục hợp tác quốc tế, Bộ văn hóa thể thao du lịch phối hợp với Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp và đàm phán trực tiếp với nhà đấu giá Millon, tại đây, nhà đấu giá Millon đã tạo điều kiện cho chính phủ Việt Nam mua trực tiếp mà không cần phải thông qua đấu giá. Hiện tại lúc mình làm clip này thì nó vẫn chưa hồi hương, nhưng hi vọng nó sẽ hồi hương sớm để người dân Việt Nam có cơ hội được chiêm ngưỡng chiếc ấn đặc biệt này

Nguồn tham khảo:
https://www.archives.org.vn/gioi-thieu-tai-lieu-nghiep-vu/kim-bao-ty-trieu-nguyen-duoc-tim-thay-nhu-the-nao-o-ha-noi.htm
https://www.millon.com/perles-rares/lexxcept

TrungLun0112

Mình thích làm một website và giới thiệu những thứ mà mình thích dùng và đã trải nghiệm, hi vọng nó sẽ giúp ích cho bạn trong nhiều vấn đề trong cuộc sống. ✌️🤙🤘

Related Posts

© 2025 TRUNGLUN0112 - Theme by WPEnjoy · Powered by WordPress