Thỏ Úc và lịch sử xâm lược của 24 con thỏ tàn phá nước Úc như thế nào?

Nước Australia nằm trên lục địa cổ đã tồn tại lâu đời cùng sự cô lập về địa lý, sở hữu sự khác biệt về thời tiết, đã làm cho môi trường nơi đây phân hóa cực kỳ đa dạng: Từ vùng rừng mưa nhiệt đới đến các sa mạc rộng lớn hay dãy núi cao… Chính vì vậy hệ động vật Australia cực kỳ đang dạng với nhiều loài độc lạ nổi tiếng trên khắp thế giới như: thú lông nhím, thú mỏ vịt, các loài thú có túi cực kỳ nổi tiếng như gấu túi Koala, Kanguru, chuột túi Wallaby… Những con vật khổng lồ và nguy hiểm ở như rết khổng lồ, giun khổng lồ, thằn lằn khổng lồ… mà các bạn hay xem trên chương trình thế giới động vật trên TV

Tuy hệ động vật ở Australia phong phú và đa dạng là vậy, nhưng chúng đang dần biến mất bởi sự xâm chiếm và phá hủy hệ sinh thái của con người. Tuy nhiên có 1 loài thỏ, vẫn sinh sôi phát triển mạnh mẽ tại đất nước Australia, bất chấp sự phát triển của loài người, chúng được xem loài động vật xâm chiếm sinh học nghiêm trọng và tàn khốc nhất mà lịch sử ghi nhận ở đất nước Australia. Vậy sự thật là như thế nào, các bạn cùng theo dõi video với mình nha.

TRUY TÌM NGUỒN GỐC LOÀI THỎ XÂM CHIẾM AUSTRALIA

Loài thỏ du nhập đến Australia vào năm 1788, chúng được nuôi nhốt trong các lồng trên tàu thuộc Hạm đội thứ nhất và sử dụng như là thực phẩm hoặc làm thú nuôi của các gia đình ở Australia, đến đầu thế kỷ 19, số lượng thỏ đã thực sự phát triển mạnh tại bang Tasmania, chúng được tìm thấy thả rông xung quanh nhà dân và các khu vườn. Đến năm 1840 thì chúng thực sự phổ biến và hầu hết loài thỏ được dùng để làm thú nuôi làm cảnh, lấy lông, dùng làm thực phẩm cho người và một số loài động vật khác

Vào những năm 1857–1858, giới nhà giàu thả thỏ ở 1 số nơi để phục vụ cho thú vui săn bắn, những con sống sót đã phát triển mạnh và ngày càng thích nghi với môi trường, đồng thời thú vui bắn bừa bãi đã làm cho các loài thú ăn thịt biến mất, tạo điều kiện cho loài thỏ có cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn

Câu chuyện bắt đầu về sự xâm chiếm của loài thỏ bắt nguồn từ một người Anh giàu có, có tên là Thomas Austin, ông di cư tới Australia vào năm 1837 và chiếm vùng đất gần Winchelsea, bang Victoria cho riêng mình, tạo ra một khu đất rộng lớn 12000 ha được gọi là Công viên Barwon. Đây là nơi ông sử dụng để làm trang trại nuôi cừu và huấn luyện ngựa

Ngoài ra, ông là người có sở thích săn bắn, nhưng xung quanh vùng đất của ông không đa dạng động vật cho lắm, nên ông đã nhờ cháu trai của mình là William Austin ở Anh, gửi cho ông 12 con thỏ xám, 5 con thỏ rừng, 72 con gà gô và một số con chim sẻ, để ông thả vào khu đất của mình, tạo ra một quần thể động vật đa dạng hơn, khi đó săn bắn sẽ thú vị và hấp dẫn hơn!

Tuy nhiên cháu ông là William Austin đã không thể cung cấp đủ thỏ xám để đáp ứng đơn đặt hàng của chú mình, vì vậy anh ấy đã bù đắp số lượng bằng cách mua thỏ nội địa của nước Anh. Vào 10/1859, tổng cộng đã có 24 con thỏ nội địa Anh cùng 1 số động vật khác đã giao đến cho ông chú của mình.

Loài thỏ nước Anh này có đặc điểm là: đôi tai mềm mại, bộ lông bắt mắt, đồng thời nó mang trong mình bộ gen của loài thỏ hoang dã, điều này đã nhanh chóng thích nghi với khi hậu ở vùng đất quanh công viên Barwon rộng gần 12000hecta, chúng sinh sôi nảy nở, sinh ít nhất 4 lứa mỗi năm, trung bình từ 2 đến 5 thỏ con mỗi lứa, sinh sôi theo cấp số nhân nên số lượng tăng lên rất nhanh, những con thỏ đến đây không có bệnh tật, môi trường tương đối ít động vật ăn thịt  nên những con vật đó phát triển mạnh.

Loài thỏ này sau đó đã “điên cuồng” xâm chiếm hết không gian sống của các loài động vật bản địa như chuột túi và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái. Chúng ăn vỏ cây, lá non, đào hang sâu để ăn rễ cây. Hầu hết thực vật không thể sống sót vì sự tàn phá này và điều này đã làm đất đai suy thoái trong diện rộng. Việc thỏ đào hang đã dẫn đến hàng loạt đồng cỏ và trang trại bị phá hủy. Gia súc và cừu bị mắc kẹt trong các hố sụt và việc canh tác nông nghiệp gặp khó khăn. Bệnh dịch liên quan tới loài thỏ đã xảy ra nhiều lần trên khắp các vùng của Australia trong nhiều thập kỷ, nhưng cho đến nay, châu lục này vẫn đang phải vật lộn với số lượng thỏ hoang dã quá lớn. Và 24 con thỏ mở đầu cho cuộc xâm lược sinh học tàn khốc được ghi nhận trong lịch sử phát triển của đất nước Australia

ĐÃ ĐẾN LÚC TIÊU DIỆT LŨ THỎ

Trong nhiều năm, chính phủ Australia cùng các nhà nghiên cứu, các nhà sinh vật học, nông dân đều đã cố gắng kiểm soát cuộc xâm lấn của thỏ giống Anh này.  Thậm chí đến năm 1887, do thiệt hại quá lớn do loài thỏ gây ra, bang New South Wales ở Australia đã đưa ra phần thưởng trị giá 25.000 bảng Anh cho “bất kỳ phương pháp diệt thỏ nào một cách hiệu quả mà chưa từng được biết đến trước đây ở Thuộc địa“. Họ đã nhận được 1456 đề xuất, nhưng không có đề xuất nào vừa an toàn vừa hiệu quả

Các phương pháp săn bắn và đặt bẫy có lẽ là phương pháp phổ biến nhất đối với người dân ở đây, tuy nhiên nó ko hiệu quả trong quy mô lớn.

Một kỹ thuật đi săn khác là sử dụng chồn sương, chồn sương được triển khai để đuổi thỏ ra khỏi hang để người đi săn bắn chúng hoặc dính vào lưới đặt trên hang. Tuy nhiên, số lượng chồn sương quá ít so với số lượng lớn thỏ, nên phương pháp này cũng không hiệu quả.

Nông dân Australia đã sử dụng phương án phá hủy hang thỏ dưới lòng đất bằng nhiều phương pháp như lái xe kéo chạy bên trên hang của chúng, cày đất, nổ mìn, xông khói…  Không có hang ẩn náu, thỏ sẽ mất đi nơi an toàn để sinh sản và nuôi con. Đây cũng là một trong số ít phương pháp đã được chứng minh hiệu quả trong việc kiểm soát quần thể thỏ

Một phương pháp khác đó là làm hàng rào, cô lập thỏ trong những không gian rộng lớn nhưng không có nguồn nước, hoặc rào các nguồn nước lại, điều này đã làm lũ thỏ chết khát trong mùa nắng nóng khô hạn khắc nghiệt ở Australia. Một số hàng rào lớn có thể kể đến như: hàng rào chống thỏ Cobar, New South Wales (1905), hàng rào thỏ ở Stanthorpe Queensland (1934), Hàng rào thỏ số 1 ở Tây Australia (1926)….

Trong những năm tiếp theo họ sử dụng phương pháp đầu độc và sử dụng rất nhiều loại hóa chất khác nhau, có thể kể đến như

  • Natri fluoroacetate hay còn gọi là hóa chất 1080, hóa chất này được sử dụng để diệt chuột từ năm 1942, và sử dụng diệt thỏ ở Australia vào năm 1950 tỷ lệ tử vong rất cao lên tới hơn 90% nếu như chuột, thỏ ăn trúng hoặc tiếp xúc gần, đây là phương pháp được sử dụng quy mô lớn trên lãnh thổ nước Australia
  • Carbon monoxide và  Phosphin cũng được sử dụng để hun trùng hang và giết chết bất kỳ con thỏ nào sống bên trong.
  • Ngoài ra còn có hóa chất chống đông máu Pindone đc dùng nhiều trong nông nghiệp để diệt chuột, nó cũng được chính phủ Australia dùng để diệt loài thỏ, cơ chế của chất này đó là khi thỏ ăn trúng, nội tạng của nó xuất huyết và tử vong sau 2-3 ngày

Trong những năm 1950, Chính phủ Australia chuyển sang biện pháp kiểm soát sinh học, họ sử dụng nhiều phương pháp như sử dụng trực khuẩn tả gà (1888), virus Tintinallogy (1887), vi khuẩn Pasteurella (1906-1907), vi khuẩn Yalgogrin , Gundagai và Picton (1907)…

Đến năm 1950, Chính phủ Australia sử dụng vi rút myxoma, virus này làm thỏ mắc bệnh myxomatosis, một căn bệnh chỉ giết chết loài thỏ, loại virus này được thả có chủ đích vào vào quần thể thỏ ở Đông Nam nước Australia, khiến số lượng ước tính giảm từ 600 triệu con xuống còn khoảng 100 triệu con, tuy nhiên sức đề kháng di truyền ngày càng tăng ở những con thỏ còn lại đã làm cho những thế hệ tiếp theo phát trển và phục hồi số lượng lên 200-300 triệu con vào năm 1991. Phương pháp dùng virus Myxoma này cũng đc sử dụng nhiều ở châu Âu và Bắc Mỹ để tiêu diệt lũ thỏ

Vào khoản năm 1995-1996, chính phủ Australia đã tiếp tục sử dụng loại Virus bệnh xuất huyết thỏ (viết tắt là RHDV), đây là loại virus gây bệnh xuất huyết nội tạng, hoại tử gan, đông máu nội mạch lan tỏa và tử vong nhanh trong vòng 48 giờ sau khi mắc bệnh. Virus RHDV đã góp phần làm giảm số lượng thỏ ở Australia lên tới 90% ở những khu vực đặc biệt khô hạn, virus này sử dụng ruồi, muỗi là vật trung gian truyền virus nên bệnh không ảnh hưởng đến thỏ sống ở các vùng có khí hậu mát mẻ và lượng mưa nhiều tại Australia. Tuy nhiên, hiệu quả chưa lâu, những con thỏ hoang bắt đầu phát triển khả năng miễn dịch trước virus RHDV. Và từ đó đến nay chính phủ Australia liên tục cải tiến và phát triển các phương pháp để khống chế số lượng loài thỏ đang ngày càng sinh sôi nảy nở hơn!

Từ cuộc xâm lược sinh học của loài thỏ, chính phủ các nước, các nhà khoa học và người dân đã nâng cao tầm quan trọng của việc duy trì an toàn sinh học nghiêm ngặt trong môi trường để tránh những trường hợp xâm lược như thế này tái diễn trong tương lai.  Và đó là những thông tin thú vị về cuộc xâm lược của 24 con thỏ tại Australia. Nếu có thông tin gì hay hơn các bạn hãy để lại comment cho mọi người cùng biết với nhé

TrungLun0112

Mình thích làm một website và giới thiệu những thứ mà mình thích dùng và đã trải nghiệm, hi vọng nó sẽ giúp ích cho bạn trong nhiều vấn đề trong cuộc sống. ✌️🤙🤘

Related Posts

© 2024 TRUNGLUN0112 - Theme by WPEnjoy · Powered by WordPress